Mách mẹ cách chăm sóc trẻ khi bị ho cảm
Ho cảm, nghẹt mũi, viêm đường hô hấp,…là những vấn đề thường xuyên xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt là vào những khoảng thời gian thời tiết bắt đầu chuyển mùa. Có thể nói việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con nhỏ chưa bao giờ là dễ dàng. Việc ho cảm, sốt, hắt hơi, nghẹt mũi,…có thể xảy ra như cơm bữa với rất nhiều bé nhỏ, tuy nhiên việc dùng thuốc và chăm sóc các bé khi bị ho cảm cũng cần có những nguyên tắc và lưu ý đúng cách thì trẻ sẽ nhanh chóng hồi phục. Là những người bố, người mẹ, các mẹo nhỏ về cách chăm sóc con trẻ khi bị ho cảm là những kiến thức cần phải trang bị. Theo dõi bài viết dưới đây để nắm rõ đầy đủ các kiến thức cần thiết nhé.
Ho cảm là vấn đề xảy ra thường xuyên với các trẻ nhỏ
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị ho cảm thông thường
Ho theo định nghĩa khoa học chỉ là một phản xạ giúp tống xuất ra ngoài những tác nhân, vi khuẩn có hại cho đường hô hấp. Đây là phản xạ có lợi cho cơ thể, giúp cơ thể bé tránh khỏi những mầm bệnh nguy hiểm về đường hô hấp.
Ho cảm thông thường ở trẻ thường diễn ra với các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, sốt nhẹ,…nói chung tương đối nhẹ và bệnh sẽ hồi phục trong vòng khoảng 1 tuần nếu bố mẹ có thể chăm sóc trẻ khi bị ho cảm đúng cách.
Ho, sổ mũi là những triệu chứng ho cảm thường gặp ở trẻ
Tuy nhiên ho thường xuất hiện trong rất nhiều các bệnh lý khác nhau, nên để chắc chắn con mình chỉ bị ho cảm thông thường, bạn cần quan tâm đến xem trẻ có những dấu hiệu nguy hiểm không phải của ho cảm sau đây hay không:
· Trẻ bỏ bú hoặc không muốn ăn uống gì: với các bé vẫn còn bú sữa mẹ sẽ không thể tự mút khi đưa miệng bé vào vú mẹ, các bé lớn thì không ăn uống, kể cả bố mẹ có đút từng thìa trẻ cũng không nuốt được.
· Nôn rất nhiều: trẻ hầu hết sẽ nôn ra ngay những thứ bố mẹ đút vào, có trường hợp sẽ nôn rất nhiều lần, nôn hết tất cả mọi thứ.
· Co giật: là biểu hiện trẻ có các động thái co giật trên một số cơ quan như: mắt giật giật hoặc đứng tròng, chân tay co quắp, các cơ vùng mặt cũng giật giật theo.
· Li bì: trẻ ngủ rất nhiều, ngủ mãi khó lay dậy được, nếu được bố mẹ gọi dậy được, chỉ nhanh sau đó bé lại nhắm mắt ngủ tiếp.
Ngoài ra một số trẻ sẽ ho kèm theo một số dấu hiệu nặng hơn như sau thì không phải là bị ho cảm:
· Thở gấp, thở nhanh: đặt trẻ nằm yên và đếm nhịp thở của trẻ để xác định trẻ có thở gấp hay không.
· Thở rít: một số bé khi chúng ta áp tai gần phần mũi họng của bé, khi bé thở ra hít vào sẽ phát ra các tiếng rít, lúc đó tức là trẻ có triệu chứng thở rít.
· Thở co lõm lồng ngực: tức là khi bé hít vào lồng ngực bé sẽ lõm vào mà không phải nở ra như những lúc khỏe mạnh bình thường.
Bố mẹ lưu ý nếu bắt gặp con bị ho kèm theo một trong những dấu hiệu nguy hiểm hay nặng ở trên thì lập tức phải đưa con đến bệnh viện vì đó không phải là trẻ bị ho cảm thông thường.
Chăm sóc trẻ khi bị ho cảm
Nếu xác định con chỉ bị ho cảm thông thường thì các bố mẹ nên bình tĩnh chăm sóc con đúng cách như sau:
Vệ sinh mũi-họng sạch sẽ cho bé thường xuyên: Dùng dung dịch muối sinh lý để vệ sinh mũi-họng cho bé sẽ có tác dụng diệt khuẩn vùng khoang mũi, cuốn trôi đờm nhầy vùng cổ họng, giúp trẻ giảm ho và bớt sổ mũi hơn.Hướng dẫn các bạn nhỏ hỉ mũi đúng cách, tránh tình trạng để nước mũi chảy xuống họng sẽ gây ho nhiều hơn.
Rửa mũi-họng bằng dung dịch muối sinh lý cho trẻ
Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bé trong chế độ ăn uống hàng ngày: Đối với các bé đang trong thời kỳ bú mẹ thì nên tiếp tục cho bé bú bình thường đồng thời mẹ phải ăn uống đủ chất để cho con bú.
Khuyến khích trẻ uống nhiều nước.
Tuyệt đối cha mẹ không nên tự ý cho trẻ sử dụng thuốc trị ho khi chưa có các chỉ định của bác sĩ vì trên thị trường hiện nay các loại thuốc ho cảm được bán tràn lan, nếu cho trẻ sử dụng tùy tiện sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Nếu bé ho và sổ mũi kéo dài trong một thời gian lâu hơn một tuần vẫn không khỏi thì nên đưa bé đến gặp các bác sĩ nhi khoa để khám và điều trị kịp thời.
Phòng tránh ho cảm cho trẻ
Để hạn chế việc ho cảm, sổ mũi xảy ra với trẻ thường xuyên, các bậc phụ huynh nên thường xuyên lưu ý một số vấn đề sau:
Hướng dẫn cho trẻ cách vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày: đánh răng, súc miệng bằng nước muối mỗi ngày; luôn rửa tay sạch bằng xà phòng kháng khuẩn trước khi cầm nắm thứ gì để ăn uống.
Giữ ấm cho trẻ khi vào những mùa thời tiết chuyển lạnh.
Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu có các bệnh liên quan đến viêm đường hô hấp như khò khè thường xuyên, đau rát họng, …thì bố mẹ nên cho trẻ đi khám để điều trị kịp thời vì để lâu trẻ rất dễ bị nhiễm trùng đường hô và gây ho thường xuyên.
Bài viết là những kinh nghiệm về cách chăm sóc con trẻ khi bị ho một cách tốt nhất. Hi vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp các mẹ nằm lòng những phương pháp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho con hiệu quả nhất.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết