Bệnh sởi là bệnh thường gặp ở trẻ em được gây ra bởi siêu vi sởi. Tuy nhiên từ 25 – 50% những người tiếp xúc với virus bệnh sởi và bị nhiễm bệnh mà không có dấu hiệu lâm sàng. Vậy bệnh sởi có lây không, và bố mẹ cần lưu ý những gì khi con bị sởi?
Bệnh sởi là là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi-rút sởi gây ra và chủ yếu lây qua đường hô hấp
Các triệu chứng bắt đầu từ 16 đến 18 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh Sởi. Các triệu chứng điển hình thường gặp ở trẻ bao gồm:
Biểu hiện đầu tiên bé sốt cao, có thể kèm theo tình trạng ho, chảy nước mũi và mắt đỏ và thường kéo dài khoảng 3-4 ngày
Sau đó sẽ xuất hiện các ban và kéo dài 2-5 ngày sau khi sốt cao. Ban Sởi mọc tuần tự từ đầu đến chân: xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Đôi khi phát ban kèm theo ngứa.
Bệnh sởi rất dễ lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần và có nguy cơ bùng dịch cao.
Theo ước tính, tỷ lệ bị lây nhiễm bệnh lên đến 90% ở những người chưa tiêm vacxin ngừa sởi sau khi tiếp xúc với người bị sởi; trung bình cứ 4 – 5 năm sẽ có một đợt dịch sởi.
Chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi khi tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu đạt trên 95%.
Bệnh sởi lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn khi người mang mầm bệnh bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện… hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ họng, niêm mạc mũi khi người bệnh nôn, khạc nhổ.
Ngoài ra, virus sởi có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài khoảng 2 giờ, bám vào các bề mặt thường được tiếp xúc như tay nắm cửa, mặt bàn, ly, chén, đồ chơi… Trẻ có thể nhiễm bệnh sởi gián tiếp khi vô tình chạm vào những bề mặt nhiễm virus, sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Bệnh sởi có thể xảy ra ở bất kỳ bạn nhỏ nào, kể cả những bạn đã được tiêm vacxin sởi. Tuy nhiên, với những bạn thuộc nhóm dưới đây có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và bệnh có thể nặng hơn
Trẻ chưa được tiêm vacxin ngừa sởi hoặc tiêm không đủ lịch theo khuyến cáo.
Trẻ bị suy dinh dưỡng, đặc biệt thiếu vitamin A.
Trẻ có bệnh tim phổi mạn: hen, tim bẩm sinh, bệnh gan, bệnh thận mạn…
Trẻ có cơ địa sanh non, nhẹ cân, suy giảm miễn dịch bẩm sinh
Các trường hợp trẻ mắc Sởi sẽ được bác sĩ hướng dẫn chăm sóc, theo dõi tại nhà tùy vào mức độ tình trạng sức khỏe của trẻ.
Với những đang trong độ tuổi đi học mà bị sởi bố mẹ nên thông báo cho giáo viên và cho trẻ nghỉ học trong thời gian này nhằm hạn chế lây nhiễm cho những trẻ khác; tượng tự hạn chế cho trẻ tiếp xúc với anh/chị/em trong nhà.
Chăm sóc trẻ bị sởi tại nhà, bố mẹ cần theo dõi sát sao các triệu chứng nhằm có xử trí phù hợp, tránh để bệnh trở nặng gây biến chứng. Dưới đây 1 số cách giúp bố mẹ chăm sóc trẻ tại nhà dễ dàng hơn:
Cách ly trẻ bị bệnh tại phòng riêng, đảm bảo thoáng mát, đủ ánh sáng mặt trời.
Vệ sinh bề mặt bàn tủ để vật dụng chăm sóc trẻ bằng dung dịch sát khuẩn bề mặt.
Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ.
Theo dõi nhiệt độ của trẻ, dùng hạ sốt khi trẻ sốt ≥ 38,5 độ C
Vệ sinh mắt, mũi trẻ 3-5 lần/ngày, răng miệng 2-3 lần/ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.
Tắm cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm trong phòng tắm kín, tránh gió lùa.
Tích cực cho trẻ bú mẹ; với trẻ lớn nên ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa và uống nhiều nước, bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin A như lươn, trứng, cá, sữa, các loại rau quả có màu đỏ, vàng hoặc cam,…
Uống thuốc theo đơn và tái khám theo hẹn của bác sĩ.
Ngoài vấn đề trẻ bị bệnh sởi có lây không là vấn đề bị rồi có bị lại không. Đa số các trường hợp trẻ bị sởi sau khi được chữa khỏi, cơ thể sẽ có kháng thể với chủng virus này. Vì vậy, trẻ thường không bị lây nhiễm virus sởi nữa.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, hệ miễn dịch suy giảm, trẻ có thể tái nhiễm bệnh sởi. Do đó, dù là trẻ đã từng mắc bệnh sởi, bố mẹ không được chủ quan trong phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ.
Cho trẻ Tiêm phòng vacxin ngừa bệnh sởi đầy đủ
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm
Sử dụng khăn giấy khi bạn ho hoặc hắt hơi
Cách li nếu bạn nghi ngờ bị nhiễm virus bệnh sởi.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, hướng dẫn điều trị kịp thời.