Hậu quả khó lường khi trẻ ho nhiều ngày không khỏi
Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm loại bỏ các chất kích thích như khói, bụi, chất nhầy, dị vật đồng thời giúp ngăn ngừa vi khuẩn gây bệnh xâm nhập. Tuy nhiên tình trạng ho kéo dài gây khó chịu ở trẻ và trở thành nỗi lo của các mẹ. Hãy cùng Pharmakids tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu nguyên nhân, những biến chứng có thể xảy ra khi trẻ ho lâu ngày không khỏi và các biện pháp phòng bệnh giúp đường hô hấp của con luôn khỏe mạnh các mom nhé.
1. Nguyên nhân khiến trẻ ho lâu ngày không khỏi
Có những trẻ ho nhiều, ho lâu ngày mà không khỏi dù đã sử dụng nhiều loại thuốc khiến các bậc cha mẹ vô cùng lo lắng. Tình trạng đó có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
Ảnh minh họa: Trẻ ho nhiều ngày không khỏi
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên
Đây được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng trẻ ho nhiều, ho kéo dài. Bệnh xuất hiện khi nhiễm khuẩn, nhiễm virus, thường lây nhiễm từ các nhà trẻ hoặc trường học. Thông thường, trẻ ho kéo dài khoảng 1 tuần với tần suất ho nhiều. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như hắt hơi, đau đầu, sổ mũi, mệt mỏi,...
- Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản (hay còn gọi là ợ nóng) cũng là 1 nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng ho ở trẻ. Acid từ dạ dày rò rỉ ngược lại vào đường ống thực phẩm và thông thường, trẻ ho nhiều vào buổi tối, khi nằm xuống.
- Hen phế quản
Hen phế quản hay hen suyễn ở trẻ là tình trạng co thắt và viêm mạn tính đường hô hấp dưới, làm giảm bớt lượng không khí vào phổi, gây ra hiện tượng thở rít. Một số dị vật như phấn hoa, khói thuốc, khí thải, hoặc dị ứng thực phẩm,... có thể gây ra tình trạng hen phế quản ở trẻ. Trẻ em dưới 3 tuổi thường bị ho nhiều và ho kéo dài khi bị hen phế quản. Khi bị bệnh, trẻ thường xuất hiện ho khan nhiều đợt, khó thở, tức ngực.
- Chảy dịch mũi sau
Lượng chất nhầy quá mức trong cơ thể trẻ nhỏ có thể gây chảy dịch mũi sau. Chất nhờn dư thừa tràn xuống phía sau cổ họng, kích thích các dây thần kinh và một số thụ thể gây nên tình trạng trẻ ho nhiều, ho kéo dài. Trẻ thường ho nặng hơn vào ban đêm và có thể bị ngứa mắt, ngứa cổ, nổi chàm.
- Ho gà
Bệnh ho gà do các vi khuẩn gây ra và có thể lây lan qua đường hô hấp. Sau khi nhiểm khuẩn từ 5 - 10 ngày. sẽ có các triệu chứng điển hình xuất hiện. Biểu hiện đầu tiên của bệnh là trẻ ho nhiều, cơn ho kéo dài từ 15 - 20 ngày đi kèm các cơn sốt, chậm nhịp tim, tím tái sau mỗi cơn ho,... Với những trẻ dưới 3 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin, tình trạng ho thường nặng hơn.
Ảnh minh họa: Ho gà ở trẻ
- Viêm phổi
Viêm phổi là căn bệnh nhiễm trùng phổ biến ở trẻ em do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Các triệu chứng để nhận biết bệnh bao gồm sốt cao, cảm giác ớn lạnh, khó thở và ho kéo dài. Viêm phổi có thể dễ dàng lây lan ở các trường học, khu vui chơi,...
- Dị vật đường thở
Khi có dị vật bị mắc kẹt trong đường thở, trẻ sẽ có biểu hiện ho, sặc, tím tái, ngạt thở, vã mồ hôi, chảy nước mắt, chảy nước mũi. Nếu như dị vật bị bỏ quên ở đường thở, tình trạng ho ở trẻ sẽ kéo dài, có thể có viêm phổi.
Ảnh minh họa: Dị vật mắc kẹt trong đường thở ở trẻ
2. Hậu quả khi trẻ ho nhiều không khỏi
- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy - hiện đang là Trưởng khoa Nhi (Trường Đại học Y Hà Nội) chia sẻ, tình trạng ho kéo dài nhiều ngày sẽ khiến trẻ mất ngủ, suy sụp, chán ăn, luôn trong tình trạng mệt mỏi,... Trẻ dễ bị sụt cân và ảnh hưởng xấu tới sự tăng trưởng chiều cao, chậm phát triển. Tình hình sức khỏe không ổn định cũng dễ gây tác động tiêu cực tới kết quả học tập đối với những trẻ đang ở trong độ tuổi tới trường. Khi bị ho lâu ngày sẽ xuất hiện những tổn thương thanh quản gây biến đổi giọng, co thắt thanh quản và có nguy cơ bị viêm tai giữa. Khi ho lâu, trẻ thường có biểu hiện nôn ói. Nôn kéo dài dễ dẫn tới mất nước và điện giải, suy nhược cơ thể.
3. Phải làm gì khi trẻ ho nhiều?
Theo bác sĩ, khi trẻ bị ho cha mẹ nên ân cần theo dõi, không nên tự ý sử dụng bất kì loại thuốc truyền miệng hoặc thuốc kháng sinh nào vì có thể khiến tình trạng bệnh nặng thêm hoặc ảnh hưởng tới sự an toàn của trẻ. Cha mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nơi sinh sống để được các bác sĩ thăm khám cũng như chữa trị kịp thời.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên chú ý tới chế độ dinh dưỡng của trẻ. Tăng cường lượng rau củ, trái cây, cho trẻ uống nhiều nước để tăng sức đề kháng cho và cải thiện hệ miễn dịch cơ thể. Đồng thời, cha mẹ nên khai thông đường thở cho trẻ bằng cách vệ sinh với nước muối sinh lý để trẻ đỡ khó chịu và mau khỏi hơn.
Ho là tình trạng xảy ra rất thường xuyên ở trẻ và hầu như không để lại biến chứng nếu được điều trị kịp thời, đúng cách. Bố mẹ cũng cần chú ý đến việc vệ sinh, chế độ dinh dưỡng cho các bé để mau khỏi và không bị tái lại.