Nôn trớ ở trẻ em

Nôn trớ là một hiện tượng rất hay gặp ở trẻ nhỏ, làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của trẻ do hệ tiêu hóa của trẻ còn chưa phát triển hoàn thiện. Thế nhưng không phải cha mẹ nào cũng có hiểu biết đầy đủ về hiện tượng này. Bài viết dưới đây Nhà thuốc Nhi Khoa Pharmakids sẽ cung cấp các thông tin cần thiết nhất về hiện tượng nôn trớ ở trẻ nhỏ để các mẹ có cách xử lý an toàn và phù hợp nhất khi bé gặp tình trạng này.

Nhận biết hiện tượng nôn trớ ở trẻ nhỏ

Nôn là hiện tượng trào ngược các chất hoặc dịch từ trong dạ dày qua miệng dưới tác động của cơ thể khi gắng sức. Trớ là hiện tượng sữa trào ra khỏi miệng trẻ sau khi trẻ ăn no và khi trẻ rướn người hoặc khi bị thay đổi tư thế đột ngột.

Nôn trớ là tình trạng thể hiện cơ thể có bất thường đặc biệt là sau khi bú, thức ăn hoặc sữa sẽ trào ra ngoài qua miệng trẻ.

01-non-tro-o-tre-em-nha-thuoc-nhi-khoa

Nôn trớ có thể được chia thành 2 loại tùy thuộc mức độ nghiêm trọng đó là nôn trớ bệnh lý và nôn trớ sinh lý:

  • Nôn trớ sinh lý là một hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể trẻ. Khi trẻ còn nhỏ, dạ dày chưa hoàn thiện. Đặc biệt, khi trẻ hay được đặt nằm ngang nên nôn trớ dễ xảy ra sau khi trẻ ăn no. Khi trẻ lớn hơn, từ 7-8 tháng tuổi nôn trớ ở trẻ sẽ không còn nữa.

  • Nôn trớ bệnh lý: là hiện tượng trẻ bị nôn trớ kèm theo các biểu hiện như sốt cao, co giật, phát ban, ho, đau bụng dữ dội, trướng bụng… Nếu trẻ xuất hiện các biểu hiện trên kèm theo nôn trớ có thể trẻ đang gặp một số vấn đề về sức khỏe nên không thể dung nạp được một số chất. Khi đó, các mẹ hãy lưu ý và đưa con đến bệnh viện để khám và tìm ra nguyên nhân.

Nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ nhỏ cũng được chia thành hai loại: theo độ tuổi và theo vị trí của cơ quan mắc bệnh.

Theo độ tuổi, nôn trớ sẽ có sự khác biệt giữa 3 thời kì: sơ sinh, niên thiếu và thời kì thanh niên:

  • Ở thời kì sơ sinh khi còn bú sữa mẹ, nôn trớ phần lớn không nghiêm trọng và sẽ tự khỏi sau 7-8 tháng tuổi. Nguyên nhân có thể do người lớn cho trẻ ăn chưa đúng cách như cho trẻ ăn quá no, cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc cho trẻ ăn đồ ăn khó tiêu hóa hoặc thay đổi đồ ăn đột ngột. Một số ít còn lại có thể do trẻ mắc các bệnh bẩm sinh về tiêu hóa khác…

02-non-tro-o-tre-em-nha-thuoc-nhi-khoa

  • Thời kì niên thiếu: nôn trớ chủ yếu do nguyên nhân bệnh lý như viêm họng, viêm gan, viêm tụy, bệnh về đường tiêu hóa…

  • Ở thời kì thanh niên: nôn trớ chủ yếu do các vấn đề về đường tiêu hóa, môi trường xung quanh và thói quen ăn uống và lối sống...

Nguyên nhân nôn trớ theo vị trí cơ quan bị bệnh thì có thể chia thành bệnh lý tại đường tiêu hóa và bệnh lý ngoài đường tiêu hóa:

  • Bệnh lý tại đường tiêu hóa chủ yếu do nguyên nhân bẩm sinh, tắc ruột hoặc viêm nhiễm đường tiêu hóa…

  • Bệnh lý ngoài đường tiêu hóa chủ yếu ở hệ thần kinh, tai mũi họng hoặc rối loạn chức năng chuyển hóa hoặc đôi khi do say tàu xe,...

Khi gặp các tình trạng nôn trớ do bệnh lý, bạn nên đưa bệnh nhân tới ngay bệnh viện để thăm khám và chữa trị kịp thời.

Nôn trớ ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không

Nôn trớ đôi khi chỉ là hiện tượng bình thường ở trẻ nhỏ và không gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe của con nhỏ nên các mẹ không cần quá lo lắng. Nôn trớ có thể rất hay gặp phải trong tuần đầu khi trẻ mới sinh. Hiện tượng này sẽ nhanh chóng biến mất khi trẻ lớn dần lên.

Miễn là các bé vẫn khỏe mạnh, không quấy khóc và ăn uống bình thường thì các mẹ không cần quá lo lắng về hiện tượng này.

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, nôn trở lại là một biểu hiện của một bệnh lý khác nên mẹ cũng cần thận trọng. Nếu bé nôn trớ kèm theo các biểu hiện bất thường khác như đau bụng dữ dội, sốt, bụng trướng, khóc nhiều, co giật hoặc nôn trớ với tần suất nhiều… mẹ nên đưa bé đến ngay bệnh viện để kiểm tra và chữa trị kịp thời.

Các bậc cha mẹ không cần quá lo lắng và căng thẳng về hiện tượng này ở con bởi đây là một biểu hiện rất bình thường ở những tháng đầu của bé.

Cách xử lý khi trẻ bị nôn trớ

 Khi trẻ bị nôn trớ, bố mẹ không cần quá căng thẳng. Đầu tiên, mẹ hãy dùng khăn sạch để lau sạch miệng cho bé, sau đó dùng một chiếc khăn sạch để quàng vào cổ bé tránh trường hợp bé tiếp tục nôn trớ.

03-non-tro-o-tre-em-nha-thuoc-nhi-khoa

Không đột ngột bế xốc bé lên vì có thể dẫn tới nguy cơ tràn dịch vào phổi.

Khi trẻ nôn trớ, bố mẹ cũng không nên quát mắng hay khiến cho trẻ căng thẳng vì có nguy cơ làm cho trẻ trớ nhiều hơn. Đồng thời, mẹ hãy hướng sự chú ý của trẻ sang chuyện khác và vuốt nhẹ ngực và lưng cho trẻ từ trên xuống dưới để trẻ không trớ nữa.

Ngoài ra, mẹ nên để cho bé nằm yên, kê gối cao hơn một chút. Mẹ hãy chú ý bổ sung nước và điện giải đầy đủ cho trẻ.

Một vài trường hợp nôn trớ do bệnh lý mẹ nên đưa bé đến ngay bác sĩ để được khám và chữa trị kịp thời.

Cách phòng tránh nôn trớ cho trẻ nhỏ

Nôn trớ ở trẻ nếu có biện pháp hợp lý cũng có thể phòng tránh được. Mẹ có thể tham khảo các cách phòng tránh sau:

  • Nếu trẻ còn đang bú sữa mẹ, không nên cho trẻ bú quá no, hãy cho trẻ bú từ từ và chỉ nên đặt trẻ nằm sau khi bú ít nhất 15 phút. Sau khi cho trẻ bú xong, mẹ hãy bế trẻ đứng lên để vỗ nhẹ vào lưng cho trẻ ợ hơi.

  • Nếu trẻ còn đang bú bình, mẹ hãy để bình sữa nghiêng để sữa ngập cổ bình, tránh để trẻ nuốt không khí dễ gây tình trạng nôn trớ.

  • Đối với những trẻ đã bắt đầu ăn dặm, mẹ không nên ép trẻ ăn quá nhiều một lúc. Các mẹ hãy chia thành các bữa nhỏ trong ngày để trẻ ăn vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng mà không gây cho trẻ cảm giác sợ thức ăn

Để hạn chế hiện tượng nôn trớ ở trẻ nhỏ, các mẹ nên cho con ăn và bú đúng cách. Trong trường hợp nghiêm trọng mẹ hãy đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Bài viết gần đây