Những nguy cơ và dấu hiệu về căn bệnh viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em

Viêm đường hô hấp cấp là một bệnh thường gặp ở trẻ em. Nếu không được chữa trị đúng và kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy kiến thức về viêm đường hô hấp ở trẻ là vô cùng cần thiết cho các bậc làm cha làm mẹ. Hiểu được tâm lý lo lắng của quý phụ huynh, chúng tôi – nhà thuốc Nhi Khoa xin gửi đến bạn đọc những thông tin về căn bệnh này , qua đó hi vọng sẽ giúp cha mẹ có thể chăm sóc con một cách tốt nhất.

1.Các yếu tố nguy cơ viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em

- Thiếu sữa mẹ: trẻ không được bú sữa mẹ có nguy cơ viêm đường hô hấp cấp cao hơn những trẻ bú sữa mẹ đầy đủ do trong sữa mẹ có chứa một lượng kháng thể, giúp bảo  vệ trẻ tốt hơn khỏi các tác nhân gây bệnh

- Trẻ sinh non, sinh thiếu tháng: trẻ sinh non có  sức đề kháng kém những những trẻ đủ tháng khác do cơ thể chưa phát triển toàn diện. Vì vậy, để tránh cho trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, cần phải giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho bé để tránh cơ thể bé bị nhiễm lạnh và nhiễm khuẩn.

- Tiếp xúc với người đang mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cũng làm cho trẻ dễ bị viêm đường hô hấp cấp hơn: Những giọt nước bọt lớn hoặc nước mũi, họng của người bệnh hắt hơi, ho chứa vi khuẩn làm lan truyền các bệnh nhiễm trùng trong không khí.

02-nhung-nguy-co-va-dau-hieu-ve-can-benh-viem-duong-ho-hap-cap-o-tre-em-nha-thuoc-nhi-khoa  

 Hình ảnh minh họa: Viêm đường hô hấp cấp rất dễ lây lan

- Ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân gây ra viêm đường hô hấp cấp ở trẻ nhất là đối với khu vực thành thị. Tỉ lệ bụi mịn càng ngày càng tăng cao, trẻ hít phải những hạt mịn này gây ra tổn thương phế quản gây ra bệnh. Vì vậy, khi cho trẻ ra đường, các bậc phụ huynh nên chú ý cho trẻ đeo khẩu trang lọc bụi mịn để giảm khả năng bị bệnh.

- Hút thuốc lá thụ động: Trẻ không hút thuốc nhưng vô tình hít phải khói thuốc của những người xung quanh, mà phổi của trẻ em vốn chưa được hoàn thiện như người lớn, nhạy cảm hơn với các chất độc và chất kích thích nên khi tiếp xúc với khói thuốc lâu ngày sẽ khiến trẻ dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp. Vì vậy, trong nhà có trẻ nhỏ, người thân trong gia đình không nên hút thuốc và tránh cho trẻ ở lâu ở những khu vực có người hút thuốc lá.

- Khí hậu lạnh: trời mùa đông nhiệt độ thường giảm xuống thấp kèm theo độ ẩm cao khiến cơ thể bé dễ bị nhiễm lạnh và mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi, viêm VA…..vì vậy, các mẹ cần lưu ý giữ ấm cơ thể cho bé khi thời tiết thay đổi: nóng hoặc lạnh đột ngột, đây là lúc sức đề kháng không chỉ trẻ em mà người lớn cũng bị giảm sút và dễ mắc bệnh.

- Vi khuẩn trú ngụ ở họng:  Có những trường hợp trong cơ thể trẻ chứa những vi khuẩn, virus tiềm tàng. Khi sức đề kháng của trẻ bị giảm sút hoặc có thêm những yếu tố bất lợi thì các vi khuẩn, virus này sẽ tiếp tục phát triển và gây ra bệnh lý ở trẻ. 

01-nhung-nguy-co-va-dau-hieu-ve-can-benh-viem-duong-ho-hap-cap-o-tre-em-nha-thuoc-nhi-khoa

Hình ảnh minh họa: Vi khuẩn khu trú ở họng có thể phát triển và gây bệnh

2. Các dấu hiệu phát hiện trẻ bị viêm đường hô hấp cấp

- Trẻ bị viêm đường hô hấp cấp thường có các dấu hiệu sau: Ho, sốt, chảy nước mũi, chảy mủ tai, thở khò khè, thở rên, nhịp thở nhanh, thở rít, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, tím tái. Tình trạng nặng trẻ không uống được, bỏ bú hoặc bú kém, co giật, ngủ li bì khó đánh thức. Có thể kèm theo suy dinh dưỡng nặng, dấu hiệu mất nước, ban sởi ở ngoài da, chướng bụng, trương lực cơ giảm, khóc yếu hoặc có dấu hiệu sốc. Ba dấu hiệu đơn giản và quan trọng dễ nhận biết là: ho, thở nhanh, rút lõm lồng ngực.

- Dấu hiệu thở nhanh:

    + Trẻ dưới 2 tháng: lớn hơn hoặc bằng 60 lần mỗi phút

    + Trẻ 2 tháng đến 1 tuổi: lớn hơn hoặc bằng 50 lần mỗi  phút

    + Trẻ 1 tuổi đến 5 tuổi: lớn hơn hoặc bằng 40 lần mỗi phút

- Dấu hiệu rút lõm lồng ngực:

    + Lồng ngực phía dưới bờ sườn hoặc phần dưới xương ức rút lõm xuống trong thì thở vào.

    + Ở trẻ dưới 2 tháng nếu chỉ rút lõm lồng ngực nhẹ thì chưa có giá trị chẩn đoán vì lồng ngực của trẻ còn mềm.

    + Bú kém là bú ít hơn một nửa lượng sữa so với những ngày trẻ bú bình thường.

- Ngủ li bì khó đánh thức: Khi gọi hoặc gây tiếng động mạnh trẻ vẫn ngủ li bì hoặc mở mắt rồi lại ngủ lại ngay. Khi nghe thấy các tiếng thở rên, rít hoặc khò khè của bé, đây cũng là các dấu hiệu của đường hô hấp ở trẻ đang gặp vấn đề, bố mẹ cần phải chú ý.

- Thở rên: Trẻ dưới 2 tháng có thể nghe tiếng thở rên. Thở rên là khi thở trẻ phát ra tiếng âm thô, ngắn vào một thời kỳ đầu của thì thở ra khi trẻ có khó thở.

3. Hướng dẫn xử trí khi trẻ bị viêm đường hô hấp cấp

- Khi có các dấu hiệu của viêm đường hô hấp cấp như trên, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở khám chữa bệnh uy tín để bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh. Lưu ý không được tự ý dùng kháng sinh hay bất kì loại thuốc ho nào cho trẻ, tránh các hậu quả nghiêm trọng. Trong quá trình chăm sóc tại nhà, bố mẹ chú ý giữ ấm cho các bé, tuyệt đối không sử dụng các đồ ăn đồ uống lạnh cho bé, hạn chế việc sử dụng điều hòa 24/24. Cũng cần lưu ý rằng, sau khi được chẩn đoán bệnh lý, bố mẹ cần cho bé uống thuốc đầy đủ liệu trình như bác sĩ hoặc dược sĩ đã hướng dẫn, không tự ý dừng thuốc. Sau khi uống thuốc mà thấy tình trạng của bé không thuyên giảm, cần đưa đến bác sĩ khám lại tình trạng của bé. Cũng cần bổ sung thêm hoa quả, chất dinh dưỡng cho bé để tăng sức đề kháng, tránh các tình trạng bé bị tái lại.

Các cơ quan và sức đề kháng của trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện, do đó để trẻ có một sức khỏe tốt và không mắc các bệnh về đường hô hấp thì các mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trong việc chăm sóc trẻ. Hi vọng bài viết trên đây của chúng tôi sẽ mang lại nhiều lời khuyên và kiến thức bổ ích cho các bà mẹ đang nuôi con nhỏ.

Bài viết gần đây