Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy

Bên cạnh các loại thuốc đặc trị, chế độ dinh dưỡng cũng đóng một vai trò quan trọng khi trẻ bị tiêu chảy. Trong trường hợp không được chăm sóc đúng cách, tiêu chảy ở trẻ rất dễ gây ra tình trạng mất nước và điện giải, suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong. Vậy trẻ bị tiêu chảy có thật cần thiết phải kiêng các thức phẩm như cá, sữa chua,… hay cần ăn nhiều rau củ để bổ sung chất xơ hay không? Nếu vẫn còn băn khoăn về chế độ ăn cho trẻ bị tiêu chảy, các mẹ hãy tham khảo những thông tin sau nhé.

1. Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy ở trẻ

- Do hệ thống miễn dịch còn non nớt, trẻ thường hay mắc các bệnh đường ruột. Một trong những bệnh thường gặp nhất là tiêu chảy. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu chảy ở trẻ, nhưng thông thường là do nhiễm các loại virus như Rotavirus, hoặc nhiễm vi khuẩn salmonella hay 1 số loại ký sinh trùng khác. 

- Các nguyên nhân khác như ngộ độc thực phẩm, bệnh ruột kích thích cũng có khả năng gây ra tiêu chảy ở trẻ. Triệu chứng thường xuất hiện là nôn mửa và phần lớn sẽ hết sau 24 giờ.

2. Cách phòng ngừa bệnh tiêu chảy

- Khi trẻ còn nhỏ, nuôi con bằng sữa mẹ là phương pháp phòng tránh bệnh tiêu chảy rất hiệu quả do sữa mẹ đảm bảo vệ sinh và chứa nhiều kháng thể, giúp hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy. 

01-che-do-dinh-duong-cho-tre-bi-tieu-chay-nha-thuoc-nhi-khoa.jpg

Ảnh minh họa: Nuôi con bằng sữa mẹ

- Đối với những trẻ lớn hơn, cha mẹ nên hướng dẫn bé giữ vệ sinh bằng cách rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, đảm bảo nguồn nước và thức ăn sạch cho trẻ.

- Cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là đưa trẻ tới các trung tâm y tế để sử dụng vắc xin phòng bệnh. Vắc xin đặc biệt có hiệu quả cao và cần thiết cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.

3. Trẻ bị tiêu chảy có những triệu chứng gì?

- Bệnh tiêu chảy ở trẻ thường có biểu hiện đầu tiên là đi ngoài phân lỏng nước, có mùi tanh hôi. Trẻ thường xuyên mệt mỏi, nôn ọe, quấy khóc. Cha mẹ có thể nhận thấy số lần đi ngoài của trẻ tăng gấp đôi so với ngày thường. Bên cạnh đó, trẻ hay có biểu hiện đau bụng và khó ngủ.

- Cha mẹ nên lưu ý tới diễn biến và thời gian bệnh ở trẻ. Thông thường, bệnh tiêu chảy cấp có thời gian từ 1 - 2 tuần. Ngay khi phát hiện triệu chứng bệnh cha mẹ nên cho trẻ đi khám để điều trị kịp thời, tránh để tình trạng mất nước trong thời gian dài khiến trẻ mệt mỏi, chán ăn, dẫn đến suy dinh dưỡng và nhiều hệ lụy nguy hiểm khác.

4. Chế độ ăn cho trẻ bị tiêu chảy

Dinh dưỡng đóng một vai trò rất quan trọng với trẻ, nhất là trong giai đoạn xảy ra bệnh tiêu chảy ở trẻ. Tuy nhiên có sự khác biệt về chế độ ăn đối với từng độ tuổi của trẻ.

4.1.  Trẻ dưới 6 tháng tuổi còn đang bú mẹ 

- Với trường hợp trẻ còn đang bú mẹ, hãy tiếp tục cho trẻ bú bình thường và tăng từ từ số lần bú. Sữa mẹ có chứa đường Lactoza và được hấp thu, dung nạp rất tốt khi trẻ bị tiêu chảy. Do đó khi tăng số lần bú, trẻ sẽ mau khỏi bệnh và phục hồi sớm hơn.

- Đối với những trẻ không bú sữa mẹ, có thể cho trẻ dùng loại sữa mà trước đó trẻ vẫn thường xuyên sử dụng, những nên cho ăn mỗi lần từng ít một và chia thành nhiều bữa ăn trong 1 ngày. Khi trẻ bú bình, cha mẹ hãy pha sữa loãng hơn bằng cách giữ nguyên lượng nước và giảm nửa lượng sữa. 

4.2. Trẻ trên 6 tháng tuổi

- Bên cạnh bú sữa mẹ, nên cho trẻ ăn những loại thức ăn mềm như cháo, súp, một số món ninh, hầm và các thực phẩm dễ tiêu hóa như khoai tây, thịt lợn, thịt gà, sữa chua,... Sử dụng dầu ăn để chế biến thay vì mỡ lợn và nấu kỹ, ăn chín, uống sôi. Những thức ăn đã được nấu từ trước đó cha mẹ nên đun lại khi cho trẻ ăn.

02-che-do-dinh-duong-cho-tre-bi-tieu-chay-nha-thuoc-nhi-khoa

 Ảnh minh họa: Cháo cho trẻ bị tiêu chảy

- Trong thời gian tiêu chảy, nên cho trẻ ăn một lượng thịt ít hơn so với thường ngày để giảm tải áp lực lên đường tiêu hóa. Ngoài ra để tránh tình trạng mất nước, cha mẹ nên cho bé uống các loại sữa mẹ, nước đun sôi để nguội, nước dừa,... đan xen. 

- Đảm bảo vệ sinh bằng cách tập thói quen rửa tay bằng xà phòng trước mỗi bữa ăn cho trẻ. Các dụng cụ như bát đĩa, cốc, chén, thìa, dĩa,... cần được rửa sạch và tráng lại bằng nước đun sôi trước khi ăn.

5. Cần tránh những loại thực phẩm nào khi trẻ bị tiêu chảy?

- Khi trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn bánh kẹo hay uống các loại nước giải khát có chứa ga và nhiều đường. Các thức ăn chế biến sẵn như giò chả, pate, xúc xích, thịt nguội, đồ hộp,... cũng nên giảm đến mức tối thiểu.

03-che-do-dinh-duong-cho-tre-bi-tieu-chay-nha-thuoc-nhi-khoa

Ảnh minh họa: Hạn chế đồ ăn sẵn 

- Rau củ và trái cây rất tốt cho trẻ. Tuy nhiên trong giai đoạn tiêu chảy ở trẻ, cha mẹ nên thận trọng khi lựa chọn các loại rau củ quả. Tránh ăn những loại thực phẩm như bông cải xanh, đậu, cảo bắp do chúng làm tăng lượng khí hơi trong ruột, gây khó chịu cho trẻ. 

- Tiêu chảy là căn bệnh hầu như trẻ nào cũng gặp phải. Tuy không thực sự đáng ngại nhưng vẫn cần các bậc cha mẹ đưa trẻ đi khám kịp thời và điều chỉnh thực đơn một cách hợp lý. Tránh để tình trạng bệnh lâu ngày không khỏi, làm mất nước và điện giải, suy dinh dưỡng ở trẻ cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Bài viết gần đây